Tiến thoái lưỡng nan của châu Âu trong chiến lược an ninh và quốc phòng

 

Sự chuyển động nhanh chóng trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga và Ukraine về việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine đang tạo ra những “xung chấn” địa chính trị, khiến các quốc gia châu Âu phải tìm kiếm con đường riêng để duy trì vai trò của mình trong vấn đề Ukraine, cũng như tái định hình chiến lược phòng thủ và củng cố khả năng răn đe. Các quốc gia châu Âu đang hướng đến mục tiêu “tự chủ về quốc phòng”, dù vẫn đang lo ngại về việc duy trì sự bảo vệ của đồng minh Mỹ, vốn đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua.

Một trong những đề xuất gây chú ý gần đây là sáng kiến do Anh và Pháp dẫn đầu, kêu gọi thành lập một “liên minh tình nguyện” giữa các quốc gia trong và ngoài châu Âu, sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh để duy trì hòa bình lâu dài ở Ukraine. Sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp do Pháp triệu tập tại Paris vào giữa tháng 2, chỉ trong vòng 10 ngày, các quốc gia châu Âu và đồng minh đã tổ chức các cuộc họp tại London, Brussels và Paris, với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Các cuộc họp này tập trung vào hai vấn đề chính: thiết lập lệnh ngừng bắn trên không và biển, cũng như khả năng triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine, một sáng kiến mà Anh và Pháp đang phối hợp chặt chẽ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (thứ 2, phải), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2, trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp ở London, Anh, ngày 2/3/2025. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, những động thái này của châu Âu phản ánh sự lo ngại trước yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc châu Âu phải tự đảm đương trách nhiệm an ninh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh những mối đe dọa từ Nga. Các quốc gia EU hiện đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhiều mặt trong khả năng tự chủ quốc phòng, từ tàu chiến, pháo binh, phòng không đến khả năng tình báo không gian. Dù đã triển khai một số chiến lược, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm, chưa đủ để bù đắp những lỗ hổng trong năng lực phòng thủ. Một dự án lớn của EU là “Chùm sao Iris 2” vẫn chỉ đang trong giai đoạn lập kế hoạch và dự kiến sẽ chỉ hoạt động vào năm 2027-2030.

Ngoài ra, các quốc gia trong EU vẫn còn nhiều bất đồng trong việc phân bổ ngân sách quốc phòng. Các nước như Italy và Tây Ban Nha có ngân sách quốc phòng thấp, còn Pháp dù nỗ lực tăng gấp đôi chi tiêu quân sự nhưng đang gặp khó khăn lớn trong việc đối phó với thâm hụt công và nợ công cao. Đức, một quốc gia chủ chốt trong EU, vẫn đang trong quá trình thành lập chính phủ mới và chưa thể đóng vai trò chủ động trong vấn đề này.

Một khó khăn nữa đối với EU là khả năng thành lập một “Quân đội châu Âu” thực sự, điều mà theo nhiều chuyên gia là không khả thi. Để có thể tương đồng với lực lượng quân sự của Nga, EU sẽ cần tăng ngân sách quốc phòng lên 250 tỷ euro mỗi năm, một mức chi tiêu cực kỳ cao, và sẽ mất hàng chục năm để tái vũ trang. Ngoài ra, các quốc gia thành viên của EU cũng có sự khác biệt lớn về trang bị quân sự và khả năng phối hợp tác chiến.

Trong khi đó, Nga không chấp nhận sự hiện diện quân sự nước ngoài tại Ukraine, coi đây là hành động khiêu khích có thể dẫn đến leo thang xung đột.

Mặc dù các quốc gia châu Âu đang tìm cách đóng vai trò chủ động hơn trong cấu trúc an ninh khu vực, tham vọng về sự “tự chủ chiến lược” trong quốc phòng đang khiến EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đối mặt với những thách thức lớn về tài chính, quân sự và chính trị.

Bài đăng có liên quan:

Zelensky chỉ trích Nga thao túng lệnh ngừng bắn, Putin đưa ra các điều kiện khó thực hiện